08-11-2024
TRANG CHỦ / TIN TỨC / Tín dụng bất động sản tăng mạnh

Tín dụng bất động sản tăng mạnh

Thị trường bất động sản ấm trở lại, khối lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng, đi kèm với đó tín dụng các ngân hàng dành cho lĩnh vực này cũng tăng cao. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, xu hướng tăng trưởng giao dịch trên thị trường bất động sản là mạnh mẽ và bền vững.

330.000 tỷ đồng chảy vào nhà đất

Chia sẻ về tình hình phát triển của thị trường bất động sản tại lễ ra mắt một dự án tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực, 6 tháng đầu năm, tổng lượng giao dịch chính thức giữa chủ đầu tư với khách hàng đạt hơn 14.000 giao dịch, chưa kể giao dịch giữa khách hàng với khách hàng. Lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm nay đã vượt 30-40% so với cả năm 2014, mặc dù năm 2014 có mức tăng cao gấp đôi so với năm 2013”.

“Xu hướng tăng trưởng giao dịch trên thị trường bất động sản là mạnh mẽ và bền vững. Giá bất động sản sau các kỳ khủng hoảng cũng đã được điều chỉnh về mức tương đối hợp lý, cơ bản ổn định, có thể nói đây là tín hiệu tốt. Giá cả ổn định, giao dịch tăng trưởng dẫn tới số dư nợ ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng lên. Dòng tiền của ngân hàng chủ yếu chảy vào thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận.

Thị trường bất động sản đón nhận nhiều tín hiệu tích cực

Chỉ tính quý I, dư nợ của các ngân hàng thương mại cho thị trường bất động sản là khoảng 330.000 tỷ đồng. Thời điểm thấp nhất năm 2011 là 170.000 tỷ đồng, như vậy đã tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm. Tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản 3 tháng đầu năm đạt 10,5% so với cuối năm 2014, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của cả nước dự kiến cả năm chỉ khoảng 12-13%. Dư nợ xấu, dư nợ tồn kho bất động sản vẫn đang giảm mạnh.

Hàng loạt gói tín dụng ưu đãi được triển khai

Liên quan tới gói 30.000 tỷ đồng, báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho biết, tính tới 31-5, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng, đạt gần 50% tổng số tiền của cả gói. Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng, mới chỉ đạt 25,4% do phụ thuộc vào tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện số lượng dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn khá hạn chế, dự án nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 không nhiều, thì việc các ngân hàng đạt số dư nợ gần 8.000 tỷ đồng là rất cố gắng.

Việc vay vốn vẫn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của Nhà nước và tổ chức tín dụng nhằm sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích và đối tượng, đồng thời bảo đảm điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi được vốn cho vay.

Bên cạnh gói tín dụng ưu đãi trị giá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ về nhà ở cho người có thu nhập thấp do Ngân hàng Nhà nước thiết kế, trên thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng thương mại.

Ví dụ như, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) đang triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng vay mua căn hộ thuộc 2 dự án là Garden Gate và Lucky Palace của chủ đầu tư Novaland với lãi suất cố định 7,5%/năm trong 3 năm đầu tiên.

Hay như Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) hỗ trợ khách hàng sở hữu căn hộ tại dự án Goldsilk Complex với lãi suất 4,99%/năm đầu hoặc 7,99%/năm đầu và 8,99%/năm thứ hai. Hạn mức vay lên tới 95% giá trị căn hộ, thời gian vay tới 20 năm…

Tuy nhiên, việc dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng “bong bóng” tín dụng bất động sản quay trở lại. TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay vốn mua nhà với lãi suất hợp lý sẽ tác động tích cực đến phân khúc chung cư có mức giá phù hợp và nhà ở xã hội. Còn với phân khúc nhà ở cao cấp vẫn khá chậm. Do đó, dư nợ đối với tín dụng bất động sản cũng khó tăng đột biến.

Mặt khác, việc kiểm soát chất lượng tín dụng và phòng ngừa nợ xấu vẫn luôn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần kiểm soát chặt, tránh tình trạng cho vay ồ ạt sẽ là cơ hội cho “bong bóng” tín dụng bất động sản xuất hiện trở lại. 

Xem thêm

Giao dịch BĐS mùa dịch: nhu cầu đầu tư thấp, mua ở thực gia tăng

Bên bán ít, nhu cầu từ bên mua vẫn cao là yếu tố khiến loại …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *