15-09-2024
TRANG CHỦ / TIN TỨC / Lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương Quận 7 và Nhà Bè, HCM

Lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương Quận 7 và Nhà Bè, HCM

(Theo Pháp Luật – 22/5/2017)- Tới đây, TP.HCM sẽ mở rộng đường Lê Văn Lương dài hơn 10 km, có điểm đầu giáp quận 4, đi qua quận 7, Nhà Bè đến điểm cuối giáp Cần Giuộc (Long An).
Lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương - ảnh 1
Mở rộng đường Lê Văn Lương, quận 7 sẽ nối gần trung tâm TP.HCM với khu Nam và cả Cần Giuộc, Long An. Đồ họa: T.HOAN

Tin mở rộng đường Lê Văn Lương được đón nhận từ cuối năm 2016, sau khi UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ dự án đường trục Bắc-Nam, đoạn từ cầu Ông Lãnh (quận 4) đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Nguồn tin từ IPC cho hay khi làm cầu Kênh Tẻ 2, cầu này sẽ nối đường Tôn Đản (quận 4) vào đường Lê Văn Lương (quận 7) tạo cho trục đường này quan trọng đi từ trung tâm Sài Gòn đến khu Nam.

Đoạn qua quận 7: Khó mở lên 20m

Có thể chia đường Lê Văn Lương hiện hữu thành hai đoạn chính, một đoạn đi qua quận 7 và đoạn nối tiếp đi qua Nhà Bè.

Đường Lê Văn Lương đoạn qua quận 7 hiện có hai phương án thực hiện: Một, từ cầu Kênh Tẻ 2 đến gặp đường 15 (phường Tân Quy), chạy tiếp đến điểm giao với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 1,2 km. Đoạn này được mở rộng lên 6-8 làn xe, hình thành nên một phân đoạn của trục Bắc-Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT TP, phương án này khó khả thi vì nó sẽ tạo ra hai nút giao cắt mới rất phức tạp là Lê Văn Lương – đường 15 và đường 15 – Nguyễn Hữu Thọ.

Hai, tuyến đường Lê Văn Lương bắt đầu từ ngã ba giáp với đường Trần Xuân Soạn (quận 7) kéo dài đến cầu Rạch Đỉa, ranh giới giữa quận 7 và huyện Nhà Bè. Đoạn này dài 2,75 km, hiện chỉ rộng khoảng 7 m cho hai chiều xe chạy, sắp tới sẽ được mở rộng lên 6-8 làn xe. Phương án này phù hợp với quy định trước đây về lộ giới của đoạn này là 40 m. “Tuy nhiên, bây giờ chỉ mở rộng đoạn này lên 20 m thì cũng rất khó vì nhà cửa, cao ốc hai bên đường đã dày đặc, chi phí giải tỏa sẽ rất lớn” – một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 – Sở GTVT TP cho biết.

Hiện Sở GTVT TP cùng các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đang xem xét để lựa chọn phương án khả thi nhất.

Đoạn qua Nhà Bè: Xây bốn cầu

Đoạn đường Lê Văn Lương chạy trên địa bàn huyện Nhà Bè dài gần 7,4 km, bắt đầu từ chân cầu Rạch Đỉa xuống đến cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè), giáp với huyện Cần Giuộc (Long An). Theo quy hoạch, tại đoạn này có hai phân đoạn: Đoạn từ cầu Rạch Đỉa đến cầu Long Kiểng có lộ giới mở rộng là 40 m; đoạn từ cầu Long Kiểng đến cầu Rạch Dơi là 30 m.

Trên đường Lê Văn Lương đoạn qua huyện Nhà Bè hiện có bốn cầu sắt cũ, nhỏ, hẹp, yếu là Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Nhiều năm qua, việc mở rộng đường và cầu ở đoạn này gặp phải điệp khúc: Cầu chờ đường, đường chờ cầu. Cuối năm 2016, trước tình hình các cầu sắt xuống cấp ngày càng nặng, TP quyết định ghi vốn chi ngân sách để làm trước cầu Rạch Đỉa và cầu Long Kiểng. Theo đó kinh phí xây mới cầu Rạch Đỉa là 470 tỉ đồng, cầu Long Kiểng là 436 tỉ đồng. Đến cuối tháng 5 này, tin từ Sở GTVT cho hay việc làm hai cầu trên vẫn còn đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định, trình TP.

Sở GTVT TP cho biết dự án cầu Rạch Tôm mới chưa được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Riêng cầu Rạch Dơi mới nối với huyện Cần Giuộc (Long An) đến nay vẫn còn chờ thỏa thuận, thống nhất với tỉnh Long An về việc đấu nối với hệ thống giao thông của tỉnh này và phương án chia sẻ việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hai đầu cầu của hai địa phương. Cầu Rạch Dơi mới có dự toán kinh phí xây dựng là 602 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Những ngày gần đây, nguồn tin từ Sở GTVT cho biết TP có chủ trương làm hai cầu trên theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư PPP không chỉ lo phần cầu mà còn lo phần đường với số kilomet tương ứng với diện tích đất được giao khai thác.

Bốn cầu mới sẽ được xây

Tất cả bốn cầu này đều trên đường Lê Văn Lương, đoạn qua địa bàn huyện Nhà Bè.

1. Cầu Rạch Đỉa mới có phần cầu chính dài 329 m, rộng 10,5 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 196 m, cầu đạt tải trọng 30 tấn. Đặc biệt, cầu mới có khoang thông thuyền rộng 33 m, cao 5 m, bảo đảm cho các loại tàu thuyền lưu thông. Cầu mới sẽ thay thế cho cầu sắt cũ, yếu chỉ cho xe hai tấn đi qua.

2. Cầu Long Kiểng mới có cầu chính dài khoảng 110 m, bề rộng và tải trọng tương đương cầu Rạch Đỉa, sẽ thay thế cho cầu cũ yếu chỉ đạt một tấn.

3. Cầu Rạch Tôm mới chưa được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư nên Sở GTVT chưa có cơ sở để thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở và trình TP lên kế hoạch xây dựng thay thế cầu cũ.

4. Cầu Rạch Dơi mới dài 418 m, rộng 15 m, có khoang thông thuyền rộng 50 m, cao 6 m nhằm bảo đảm cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông từ cảng Hiệp Phước đi về tỉnh Long An.

Với các dự án đồng bộ giữa bốn cầu và đường, trong thời gian tới hy vọng toàn tuyến Lê Văn Lương sẽ trở thành một hợp phần và chạy song song với đường trục Bắc-Nam, tức đường Nguyễn Hữu Thọ hiện hữu, chạy xuyên tâm từ đường Trần Xuân Soạn (quận 7) xuống Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè). Việc mở rộng đường Lê văn Lương không chỉ tạo thuận lợi về giao thông mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế-xã hội khu Nam nối xuống Long An.

5.430 tỉ đồng mở rộng đường trục Bắc-Nam

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho TP.HCM áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) 12 dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao. Tổng mức đầu tư dự kiến của 12 dự án này lên đến hơn 66.220 tỉ đồng. Trong danh mục các dự án kiến nghị có nhiều dự án kết nối khu vực trung tâm TP.HCM với khu đô thị phía Nam.

Cụ thể, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỉ đồng, kết nối từ quận 2 qua quận 7 tại đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Văn Linh.

Dự án mở rộng đường trục Bắc-Nam đoạn từ Hoàng Diệu (quận 4) đến Nguyễn Văn Linh (quận 7). Theo Sở GTVT TP, các khu dân cư đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 7 phát triển rất nhanh, đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước. Do đó, đường trục Bắc-Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh dài gần 3,8 km hiện thường diễn ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại cầu Kênh Tẻ nằm trên đoạn đường này. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng được sớm mở rộng đoạn này lên 40-60 m (8-10 làn xe) với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.430 tỉ đồng.

M.PHONG

Có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư

Đường Lê Văn Lương là một trong ba con đường nối quận 7 với huyện Nhà Bè (ngoài đường Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ). Từ đường Lê Văn Lương có thể dễ dàng kết nối với cả hệ thống cơ sở hạ tầng khu Nam, cũng như kết nối linh hoạt với các tỉnh miền Tây. Từ con đường này, chỉ mất vài phút là qua Phú Mỹ Hưng và dễ dàng chạy về trung tâm Sài Gòn bằng đường Nguyễn Hữu Thọ… Những năm qua, các nhà đầu tư tập trung đầu tư vào dọc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ và họ cũng nhận ra đường Lê Văn Lương chạy gần như song song với đường Nguyễn Hữu Thọ có sức hấp dẫn lớn. Đã có một vài nhà đầu tư cắt đường ngang nối hai con đường này để đi vào khu đất của mình. Điều này làm cho đường Lê Văn Lương bị đầu tư đứt khúc, không đồng bộ.

Xem thêm

Giao dịch BĐS mùa dịch: nhu cầu đầu tư thấp, mua ở thực gia tăng

Bên bán ít, nhu cầu từ bên mua vẫn cao là yếu tố khiến loại …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *