Thị trường bất động sản: Phục hồi mạnh mẽ
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tăng; nhà đầu tư nước ngoài không ngừng rót số lượng vốn lớn, là hai yếu tố chính cho thấy thị trường này đang phục hồi mạnh mẽ.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong mười tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng vượt trội đến 78,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này giải thể giảm 30% và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong mười tháng qua, vốn FDI rót vào kinh doanh bất động sản đứng thứ ba đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 11,1%, sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (đạt 12,48 tỷ USD, chiếm 64,7%) và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 13,6% tổng số vốn).
Số liệu nêu trên cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản. Giới đầu tư trong nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá của thị trường sau khi Việt Nam hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều chủ đầu tư cũng như các đơn vị phân phối kỳ vọng là gia tăng tính thanh khoản của hàng hóa bất động sản. Rõ rệt nhất là từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản không ngừng sôi động, người mua nhà đã đặt niềm tin vào thị trường và nhà đầu tư cũng quay trở lại. Bất động sản đã chứng tỏ sức hút so với các lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm…
Trong một thông số có liên quan khác là báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV, năm 2015, Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới. Ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 13 đến 14 tỷ USD trong năm nay và có xu hướng tập trung vào tiền gửi ngân hàng, đầu tư sản xuất, kinh doanh và mua bất động sản. Nếu theo đà này, thời điểm cuối năm, bất động sản sẽ còn sôi động hơn khi nguồn kiều hối dồn về Việt Nam. “Sự ấm lên của thị trường bất động sản là cơ sở để thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 với những quy định thông thoáng, mở rộng hơn cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam là một trong những cơ sở để tin rằng ngoại hối sẽ tập trung “nở rộ” vào lĩnh vực này” – chuyên gia của CBRE Việt Nam nhận xét.
Trong thời gian qua, nhiều dự án lớn đã và đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài như Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp The Pride (Hà Đông). Đáng chú ý, dự án “Khu Thương mại, dịch vụ cộng đồng, triển lãm Aeonmall Him Lam”, có quy mô lớn thứ ba ở Việt Nam và đầu tiên ở Hà Nội của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) tại quận Long Biên đã được khánh thành vào ngày 28/10 vừa qua. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 200 triệu USD, sử dụng 9,6 ha đất. Không chỉ đầu tư dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua, sáp nhập các dự án lớn trong thời gian qua như Indochina Plaza Hà Nội đã thuộc về một nhà đầu tư bất động sản Hồng Công (Trung Quốc), Diamond Plaza thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc. Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản cũng mạnh tay đầu tư mua lại tòa nhà Corner Stone từ VIBank…
Thực tế, trong nhiều năm qua, ngay cả khi thị trường bất động sản “đóng băng”, kênh đầu tư này vẫn chiếm một tỷ lệ vốn nhất định so với gửi tiết kiệm, mua vàng, đầu tư chứng khoán. Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Địa ốc Hải Đăng Đặng Xuân Tâm nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn sôi động nhất trong năm. Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm, một lượng lớn kiều hối được đưa về nước và dòng tiền này sẽ phần lớn chảy vào bất động sản. Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Tâm cũng cho rằng, các chính sách cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục để người ở nước ngoài thoát khỏi tâm lý e ngại khi mua nhà để sinh sống, làm việc, và yên tâm đầu tư tại Việt Nam.