Sự khởi sắc của thị trường Bất động sản (TTBĐS) khiến môi giới bất động sản (BĐS) trở thành ngành hot trong những năm gần đây. Khoản hoa hồng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu mỗi hợp đồng thành công khiến ngành nghề này có sức hút đặc biệt.
Môi giới BĐS thường bị đánh đồng với “cò nhà đất” khiến người làm nghề ít nhiều phải chịu những kì thị, định kiến của xã hội. Nếu “cò nhà đất” hoạt động trôi nổi, mang tính chụp giật thì nhân viên môi giới BĐS thuộc những công ty địa ốc hoạt động có quy chế rõ ràng.
Môi giới BĐS là 1 nghề được pháp luật công nhận và có tổ chức nghề nghiệp riêng. Tháng 12/2011, Hội Môi giới BĐS Việt Nam chính thức thành lập. Sự ra đời của hội nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà môi giới BĐS, hỗ trợ thành viên mở rộng quan hệ sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hội có chức năng hoàn thiện, nâng cao nghiệp vụ, hướng tới chuẩn mực hóa hoạt động hành nghề môi giới BĐS. Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay Hội Môi giới BĐS Việt Nam có khoảng 20.000 hội viên.
Môi giới BĐS thường bị đánh đồng với “cò nhà đất” khiến người làm nghề ít nhiều phải chịu những kì thị, định kiến của xã hội |
Sự bùng nổ nhân sự môi giới BĐS trong những năm gần đây đã làm nảy sinh nhiều bất cập: các công ty tuyển dụng ồ ạt nhưng không chú trọng đào tạo, sự lộng hành của cò nhà đất… khiến thị trường lộn xộn, hoạt động thiếu chuyên nghiệp.
Nhằm chuẩn hóa đội ngũ những người hành nghề môi giới BĐS, chuyên nghiệp hóa hoạt động giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng đã đưa ra Thông tư 11/2015/TT – BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/2/2016. Theo đó, người môi giới BĐS phải thi sát hạch để nhận chứng chỉ hành nghề.
Trước đây, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chỉ cần học qua một lớp đào tạo cơ bản rất ngắn, sau đó nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố. Nhưng nay người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như kiến thức cơ sở, bao gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS, thị trường BĐS, đầu tư BĐS, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS và phần kiến thức chuyên môn, gồm tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS, quy trình và kỹ năng môi giới BĐS, giải quyết tình huống trên thực tế…
Người dự thi sát hạch phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Người dự thi sát hạch đạt điểm thi và có đủ hồ sơ theo quy định thì được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp.
Môi giới BĐS có vai trò quan trọng giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm nhà đất phù hợp. Hàng loạt những vấn đề phát sinh trong quá trình mua bán mà khách hàng vấp phải như: Mua bán ra sao? Giá cả thế nào là phù hợp? Đặt cọc thế nào? Giấy tờ sang tên đăng bộ ra sao? Cách giao tiền, giao nhà? sẽ được giải quyết “gọn nhẹ” với sự xuất hiện của môi giới BĐS. Môi giới BĐS không đơn thuần là “người bán hàng”. Một nhân viên bán hàng chỉ đơn giản là tìm kiếm người mua, còn môi giới BĐS đóng vai trò “cầu nối” giữa người bán và người muốn mua BĐS.
Môi giới BĐS là ngành nghề mở rộng với nhiều đối tượng trong xã hội. Một người phụ nữ làm nội trợ, một nhân viên văn phòng, một sinh viên mới ra trường… hoàn toàn có thể bước chân vào nghề này. Không khắt khe về bằng cấp, không giới hạn độ tuổi, không đòi hỏi kinh nghiệm trước đó… nhưng để thành công trong nghề môi giới, người theo đuổi cần có tình yêu nghề và nỗ lực tự trau dồi các kĩ năng khi hành nghề. Tham gia các khóa học chuyên nghiệp như Expert Talk để nâng cao kiến thức, kỹ năng môi giới là một điều kiện tiên quyết để phát triển bản thân trong nghề này.
Trở thành một nhà môi giới chuyên nghiệp, chính là đã giúp TTBĐS trở nên minh bạch và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, góp phần làm gia tăng lợi ích của các bên tham gia vào thị trường này.
Theo Batdongsan.com.vn